NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP
1. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở, trọng tâm là: Kết luận số 120-KL/TW; Nghị định 04/2015/NĐ-CP; Nghị định 145/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...; các kết luận, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh, của Thành phố về công tác xây dựng, chính đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác dân vận, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đến cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
2. Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với nhiệm vụ chính trị của cơ quan; tổ chức thực hiện có hiệu quả QCDC ở các loại hình cơ sở.
3. Chỉ đạo triển khai việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai các thủ tục hành chính, đúng quy định tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính.
4. Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, đảng viên trong thực hành dân chủ; nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân.
5. Thực hiện có hiệu quả việc công khai và thông tin cho nhân dân biết và tham gia góp ý về các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình trọng điểm, các dự án lớn trên địa bàn; nhất là công khai các chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện tiêu cực tại cơ quan.
7. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; thường xuyên củng cố, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình thực tế; ban hành quy chế làm việc theo hướng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; phát huy năng lực sáng tạo, nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và thái độ phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
8. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện các chương trình, dự án, các chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội.