Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản; chủ động phòng ngừa, hạn chế các nguy cơ gây cháy, nổ; đặc biệt đối với các khu dân cư; hộ gia đình sử dụng nhà ở để kết hợp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy trên địa bàn..... trân trọng đề nghị các tổ chức,hộ gia đình, cá nhân thực hiện triệt để các biện pháp sau:
1. Hệ thống điện phải được thiết kế riêng biệt giữa các khu vực với nhau; Phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải như cầu chì, aptomat… cho hệ thống điện chung của tòa nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Khi lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện phải tính toán để không gây quá tải cho hệ thống điện. Nên lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt tách riêng với hệ thống điện phục vụ sản xuất.
2. Nên sắp xếp xen kẽ các lô hàng hóa, vật tư dễ cháy với những lô hàng khó hoặc không cháy, đảm bảo lối đi lại thông thoáng, không để hàng hóa gần với nguồn nhiệt, nguồn lửa, không xếp hàng hóa dọc cầu thang hoặc chiếu nghỉ cầu thang. Không tập trung số lượng hàng hóa lớn tại khu vực kinh doanh, nên có kho chứa riêng biệt độc lập với khu vực kinh doanh.
3. Ô tô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, sinh lửa; không để che chắn cửa ra vào phòng ngừa xe tự cháy cản trở lối thoát hiểm thoát nạn.
4. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Tường, trần nơi đặt bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Không lập bàn thờ cúng và đun nấu trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
5. Không sạc điện thoại, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện qua đêm.
6. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện.
7. Nơi đun nấu phải riêng biệt, không tồn chứa nguyên liệu, sản phẩm dễ cháy xung quanh. Sử dụng bếp gas phải đúng quy trình, khi đun nấu xong phải khóa van gas và tắt bếp; thường xuyên vệ sinh bếp, kiểm tra hệ thống đường dây dẫn gas, bếp tránh hiện tượng rò rỉ gas.
8. Khi phát hiện khí gas bị rò rỉ cần nhanh chóng tiến hành các công việc sau: lập tức khóa van chính ở bình chứa, mở các cửa để khí gas thoát ra ngoài. Tuyệt đối không dùng quạt điện, vật dụng bằng điện ở gia đình để thông gió, không bật các công tắc, cầu dao điện đề phòng phát sinh tia lửa điện có thể gây cháy nổ. Sử dụng nước xà phòng để phát hiện vị trí rò rỉ, lấy giẻ ướt hoặc dây cao su quấn chặt lại. Sau đó báo cho nơi cung cấp gas đến xử lý.
9. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Đối với nhà chỉ có 01 lối ra thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: cửa phụ, lối thoát qua ban công, lôgia, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn.
10. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa.
11. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy; Thành viên hộ gia đình cần nắm rõ lối ra thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2) và cần phổ biến cho người lao động, sinh sống trong nhà về biện pháp thoát nạn, nhận biết chỉ dẫn thoát nạn. Chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera; trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ như búa, rìu để tạo lối thoát khi cần thiết. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.
12. Khi xảy ra cháy nổ và các sự cố tai nạn, bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối lên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh…, đồng thời báo ngay cho Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại “114”, hoặc Đội Dân phòng, Công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy để dập tắt đám cháy.
13. Mỗi hộ gia đình trang bị thêm bình chữa cháy xách tay phục vũ công tác PCCC tại chỗ. DO VẬY Sự quan trọng của biện pháp phòng cháy chữa cháy trong gia đình:
Bảo vệ tính mạng và sức khỏe: Cháy có thể gây ra nguy hiểm nghiêm trọng cho tính mạng và sức khỏe của mọi người trong gia đình. Biện pháp phòng cháy chữa cháy như hệ thống báo cháy, bình chữa cháy và kế hoạch ứng phó với cháy giúp phát hiện và đối phó với nguy cơ cháy một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bảo vệ tài sản: Cháy có thể gây thiệt hại nặng nề cho tài sản gia đình, bao gồm nhà cửa, đồ đạc, phương tiện vận chuyển và các tài sản có giá trị khác. Biện pháp phòng cháy chữa cháy như hệ thống báo cháy, van chữa cháy tự động và các thiết bị phòng cháy chữa cháy khác giúp giảm thiểu nguy cơ mất mát tài sản và giữ an toàn cho gia đình.
Giảm thiểu thiệt hại sau cháy: Nếu xảy ra cháy, biện pháp phòng cháy chữa cháy giúp giảm thiểu thiệt hại và đáp ứng nhanh chóng trong việc xử lý tình huống. Đào tạo thành viên gia đình về phòng cháy chữa cháy và lập kế hoạch ứng phó sẽ tăng cường khả năng tự bảo vệ và giảm thiểu hậu quả sau cháy.
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Mỗi gia đình là một “tế bào” của xã hội. Vì vậy sự an toàn của mỗi gia đình là cơ sở đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững. Ngay từ bây giờ mỗi người dân hãy tự giác thực hiện tốt phương châm “Phòng cháy tốt, Chữa cháy giỏi”./.