TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (15/12/1964 - 15/12/2024)
Ngày cập nhật 13/12/2024

Ngày 15-12-1964, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời, gắn với sự kiện Bộ Công an chi viện đợt B10 và B11 cho An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế 50 cán bộ, chiến sĩ và từ đó hình thành nên lực lượng nòng cốt để củng cố và xây dựng lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế, tiền thân của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế sau này.

LỜI GIỚI THIỆU

 

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế (trước đây là An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế) đã lấy ngày 15 tháng 12 năm 1964 là Ngày truyền thống. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (KVBG) trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân tin yêu.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh biên soạn “Tài liệu tuyên truyền 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế (15/12/1964 - 15/12/2024)”. Đây là tài liệu chính thức để tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu sử dụng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng với BĐBP tỉnh quản lý, giữ gìn và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Trân trọng cảm ơn!

 

BỘ CHỈ HUY BĐBP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Phần I

60 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

Biên giới quốc gia (BGQG) là bộ phận thiêng liêng, bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Ông cha ta đã khéo léo thực hiện chính sách “nhu viễn” mềm dẻo, tranh thủ các tộc trưởng ở biên cương để đoàn kết các dân tộc chống ngoại xâm; kết hợp với đề ra chính sách “biên viễn” (coi nơi địa đầu biên cương xa xôi là huyết mạch cốt tử của triều đình), xây dựng thành lũy, tích trữ lương thảo, vũ khí, lấy dân binh lập phên dậu, trấn đồn trú canh giữ... Thời nào cũng có tướng tài và binh lính tinh nhuệ làm nòng cốt ra trấn giữ biên thùy, vì vậy đã bảo vệ được toàn vẹn non sông bờ cõi, xác lập vững chắc cương vực của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá mà ông cha ta truyền lại cho con cháu muôn đời.

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Là một trong 10 địa phương trong cả nước có chung đường biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với 80,683 km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Salavan và Sekong; có 02 cửa khẩu chính là A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cô Tài; có 12 xã biên giới thuộc địa bàn của huyện miền núi A Lưới là: Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn, Quảng Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hương Phong, Lâm Đớt, Đông Sơn, A Roàng, Hương Nguyên, có đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sinh sống, như: Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy… Có đường bờ biển dài khoảng 128 km đi qua địa bàn của phường Thuận An, thị trấn Lăng Cô và 19 xã: Điền Môn, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Hải, Quảng Ngạn, Quảng Công, Hải Dương, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An, Giang Hải, Vinh Hiền, Lộc Bình, Vinh Mỹ, Lộc Vĩnh, thuộc thành phố Huế và 04 huyện (Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang). Có 01 đảo Sơn Chà và 02 Cảng biển là Cảng Thuận An và Cảng Chân Mây.

BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP, một thành phần trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy ngày 15/12/1964 là ngày truyền thống. 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn nhận thức rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng quê hương; là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới; quản lý, kiểm soát ở cửa khẩu; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa, đấu tranh với mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và phòng, chống tội phạm; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN); tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tạo nên sức mạnh của hệ thống chính trị, đoàn kết, gắn bó với đồng bào các dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ an ninh BGQG.

A. BĐBP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ 60 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

I. SỰ RA ĐỜI CỦA BĐBP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Ra đời từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng, từ Ban An ninh vũ trang - Công an Nhân dân vũ trang - BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng là công cụ sắc bén để quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, bảo vệ Đảng, chế độ và bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Ở miền Bắc, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW Về xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg, tại Điều 1 nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an Nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”. Từ đó, ngày 03 tháng 3 hàng năm được chính thức chọn làm Ngày truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Ngày 28/3/1959, tại Thủ đô Hà Nội, Lễ thành lập lực lượng Công an Nhân dân vũ trang được tổ chức trọng thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, trao nhiệm vụ cho lực lượng Công an Nhân dân vũ trang: “Công an và quân đội là hai cánh tay của Nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”. Bác ân cần dặn dò: “Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài. Kẻ thù bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ thù bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của Quân đội và Công an nói riêng, của Nhân dân nói chung, Quân đội và Công an phải dựa vào dân mới hoàn thành được”.

Ở Thừa Thiên Huế, giữa tháng 12/1964, từ lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng do Bộ Công an chi viện đợt B10, B11, khung An ninh vũ trang, thuộc Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên được thành lập[1]. Với chức năng và nhiệm vụ do Trung ương Cục quy định, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã cùng các lực lượng vũ trang trong tỉnh bảo vệ chiến khu cách mạng, địa bàn đứng chân của Khu ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy, bảo vệ hành lang, đưa đón cán bộ vào hoạt động trong vùng địch chiếm đóng; bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng; diệt ác, phá kìm; hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên tục bám sát địa bàn, không ngừng phát triển lực lượng, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã tham gia chống phá Quốc sách “ấp chiến lược”, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử, góp phần giải phóng quê hương tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau gần một năm cùng các lực lượng vũ trang và Nhân dân tiếp quản địa bàn vùng mới giải phóng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, thực hiện Quyết định số 23/BTL, ngày 27/02/1976 của Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã được hợp nhất với An ninh vũ trang Quảng Trị, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh và Quảng Bình thành Công an Nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên.

Trong đội hình hợp nhất, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân vũ trang trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã phát triển các đồn, trạm trên hai tuyến biên giới, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, hiệp đồng có hiệu quả với các lực lượng vũ trang, kịp thời phát hiện, đập tan âm mưu và hành động phá hoại của các phần tử phản động, giữ vững an ninh địa bàn.

Từ năm 1979, về tổ chức, BĐBP các cấp trải qua nhiều lần thay đổi đầu mối trực thuộc.

Ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW Về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an Nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Ngày 19/12/1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1148/QĐ-QP xác định BĐBP là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thực hiện chủ trương trên, Ban Chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên giải thể, thành lập Phòng Biên phòng, trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên. Các Đồn Biên phòng thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện.

Sau một thời gian hoạt động, trên phạm vi toàn quốc, mô hình tổ chức này đã bộc lộ những hạn chế. Nhằm khắc phục tình trạng bất hợp lý do thay đổi tổ chức, ngày 26/5/1981, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Chỉ thị số 85-CT/TM Chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy đối với BĐBP nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc trong tình hình mới. Nội dung Chỉ thị điều chỉnh lại tổ chức BĐBP, chuyển các Đồn Biên phòng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, chỉ huy; chuyển Phòng Biên phòng thành Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh với chức năng chỉ đạo, tham mưu công tác biên phòng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Ngày 01/8/1981, Phòng Biên phòng được kiện toàn thành Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên. Với mô hình tổ chức này, quá trình hoạt động của BĐBP vẫn tiếp tục bộc lộ những khó khăn, lúng túng, vì vậy, ngày 14/4/1986, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 419-QĐ/BQP về việc Chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy, củng cố, xây dựng BĐBP. Quyết định của Bộ quy định rõ vị trí, tính chất, nhiệm vụ, hệ thống chỉ huy thống nhất của BĐBP trực thuộc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự chỉ huy, quản lý toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời chịu sự chỉ đạo về công tác an ninh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, về công tác đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Mô hình tổ chức BĐBP theo 3 cấp: Bộ Tư lệnh BĐBP; Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh; Đồn Biên phòng, đơn vị cơ động, Hải đội Biên phòng.

Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, trong hai ngày 29 và 30/7/1986, Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên chính thức bàn giao mọi mặt công tác cho BĐBP đảm nhiệm. Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng được đổi tên thành Ban Chỉ huy BĐBP Bình Trị Thiên.

Ngày 21/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 104/HĐBT quy định: “Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế trang bị và cơ sở vật chất kỹ thuật của lực lượng BĐBP sang Bộ Nội vụ. Lực lượng BĐBP đặt dưới sự chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Thực hiện quyết định trên, ngày 03/8/1988, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đã tiến hành công tác bàn giao. Bộ Nội vụ tiếp nhận tổ chức BĐBP từ Bộ Quốc phòng và trực tiếp chỉ huy BĐBP từ ngày 16/8/1988. Ở cấp tỉnh, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh vẫn trực thuộc chỉ huy của Tư lệnh BĐBP.

Ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập, Bộ Nội vụ ban hành quyết định số 747/QĐ-BNV chia tách Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Trị Thiên thành Ban Chỉ huy BĐBP các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngày 17/7/1989, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở tổng kết 35 năm công tác biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP, ngày 08/8/1995, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW Về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ về Bộ Quốc phòng. Hệ thống tổ chức của BĐBP vẫn theo hệ thống dọc, gồm 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đơn vị cơ sở như hiện nay.

Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã quy định chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như sau: “Là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh BGQG theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao, đồng thời là một lực lượng thành viên của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. BĐBP có các nhiệm vụ chủ yếu như: Tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở KVBG trên bộ và trên biển, bảo vệ an ninh BGQG; tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về BGQG; thực hiện quan hệ phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định về biên giới; đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, phản cách mạng phá hoại BGQG; trực tiếp và phối hợp với các lực lượng, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới và các loại tội phạm khác, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của Nhân dân; liên hệ chặt chẽ với quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với các đơn vị vũ trang khác và Nhân dân chiến đấu chống quân xâm lược...”.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA BĐBP TỈNH

1. Lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế hình thành, tham gia bảo vệ hậu cứ và hỗ trợ đấu tranh chính trị, vũ trang (1964 - 1968)

Từ 1960 đến 1963, với thắng lợi của phong trào đồng khởi miền núi, phong trào đánh phá “ấp chiến lược” và phong trào đồng khởi nông thôn, đồng bằng, quân và dân Thừa Thiên Huế đã góp phần to lớn vào việc làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy ở miền Nam.

Năm 1964, thực hiện chủ trương “Phát động quần chúng nông thôn, đồng bằng đồng khởi”, Tỉnh ủy quyết định gấp rút tiến hành đồng khởi, giải phóng từ 3 - 4 vạn dân, giành lại nông thôn, đồng bằng Thừa Thiên Huế. Cùng với các đơn vị vũ trang, các đội công tác, lực lượng An ninh Thừa Thiên Huế về các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc tuyên truyền, phát động Nhân dân nổi dậy kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận; trừng trị bọn ác ôn, tề điệp, phản động, giành dân, giành quyền làm chủ.

Các chiến sĩ An ninh phối hợp cùng các lực lượng triển khai tốt công tác binh vận, cải tạo và hạ uy thế trên 2.000 tên địch, làm rã hàng ngũ lực lượng “Thanh niên chiến đấu” với 1.009 đội viên và 1.847 lính cộng hòa và bảo an, hàng chục cuộc binh biến, khởi nghĩa của các lực lượng Ngụy quân trở về với cách mạng, mang theo hàng trăm súng các loại.

Ngày 15/12/1964, Bộ Công an chi viện đợt B10, B11 cho An ninh Thừa Thiên Huế gồm 50 đồng chí, trong đó có 07 đồng chí được tách ra để thành lập khung An ninh Vũ trang, trực thuộc An ninh Thừa Thiên.

Tháng 8/1965, do yêu cầu bức thiết của công tác An ninh vũ trang, Thành đội Huế đã điều động 03 cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Thành ủy. Cũng trong tháng 8/1965, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã điều động 08 cán bộ cấp đại đội, trung đội tăng cường cho An ninh vũ trang Thừa Thiên để thành lập Đại đội An ninh vũ trang bảo vệ Thành ủy.

Từ năm 1966, chiến trường Trị Thiên Huế có vị trí vai trò mới, là một hướng chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở nước ta. Tháng 4/1966, Trung ương quyết định thành lập Khu, Quân khu Trị Thiên Huế. Đến tháng 6/1966, quyết định thành lập Mặt trận đường 9 (B5), Trị - Thiên - Huế từ một chiến trường đã trở thành hai mặt trận trên cùng một địa bàn, chiều dài từ sông Bến Hải đến Hải Vân, từ chiến trường “khu đệm” đã trở nên một trong những phương hướng trọng yếu, nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch. Địch tăng cường lực lượng và thủ đoạn đánh phá, càn quét, khủng bố Nhân dân, đốt phá nhà cửa ở các vùng giáp ranh, vùng giải phóng. Ở miền núi, chúng rải chất độc hóa học, dùng máy bay B.52 ném bom, thả biệt kích, thám báo đánh phá vùng căn cứ.

Bước vào năm 1967, sau một thời gian xây dựng cơ sở, tạo địa bàn đứng chân ở vùng ven thành phố, nông thôn, đồng bằng, các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế liên tiếp tổ chức những trận đánh vào căn cứ, nơi đóng quân của Mỹ - Ngụy.

An ninh vũ trang Thừa Thiên phối hợp với đơn vị Biệt động thành, bộ đội địa phương liên tục tấn công địch. Tính đến tháng 4/1967, đã đánh 31 trận, diệt 816 tên địch; trong đó có 30 ác ôn, 31 lính Mỹ (8 thiếu úy, 1 đại úy). Phối hợp với K4 và huyện Hương Thủy tổ chức nhiều trận đánh vào các đơn vị quân Ngụy, tiêu diệt 197 tên địch; diệt gọn 3 trung đội, 3 đoàn bình định, 1 trung tâm huấn luyện; tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội, 1 ban chỉ huy tiểu đoàn; phá hỏng 70 xe quân sự, bắn rơi 1 trực thăng.

Để chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Quân Khu ủy, Thành ủy, triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thông suốt tình hình, nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Để đảm bảo bí mật an toàn cho việc chuẩn bị mở chiến dịch, An ninh các huyện, xã chú trọng công tác bảo vệ nội bộ, căn cứ, hành lang, các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên được bổ sung quân số. 02 giờ sáng ngày 31/01/1968 (nhằm giờ Sửu, mùng 03 Tết), pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử. Sáng 31/01/1968, lực lượng cách mạng đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu bên trong và vòng ngoài thành phố. Đúng 09 giờ ngày 31/01/1968, cờ Cách mạng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Bộ đội ta vừa đánh địch phản kích, vừa phát động quần chúng nổi dậy. Cùng với các lực lượng vũ trang và quần chúng Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên phối hợp với các mũi tiến công tiêu diệt địch.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế được bổ sung quân số từ thanh niên, sinh viên, cơ sở bị lộ ở nông thôn, đồng bằng, số cán bộ, chiến sĩ được giải thoát từ nhà lao Thừa Phủ. Riêng Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang thành Huế biên chế gần 500 chiến sĩ. Đại đội An ninh vũ trang tỉnh cũng được Bộ Tư lệnh Công An Nhân dân vũ trang tăng cường 93 cán bộ, chiến sĩ, biên chế Đại đội quân số 123 đồng chí chia thành 4 trung đội: Trung đội bảo vệ Thành ủy có 30 đồng chí, Trung đội bảo vệ căn cứ có 35 đồng chí, Trung đội bảo vệ hành lang, thu mua vận chuyển có 30 đồng chí và Trung đội canh giữ trại giam có 28 đồng chí.

An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế chuyển sang hoạt động “trừ gian, diệt tề, quét điểm” ở vùng nông thôn, bám dân xây dựng và phát triển phong trào quần chúng. Tháng 8/1968, đơn vị Trinh sát vũ trang tấn công vào các toán bình định nông thôn, diệt bọn ác ôn, dân vệ ở Ngũ Tây, Tứ Đông, đánh tan 2 đoàn bình định ở cống Phát Lát (An Cựu) diệt 72 tên địch. Phối hợp với đơn vị K5, K6, phá tan đơn vị phòng vệ dân sự ở Phú Nhuận, Phú Xuân, đánh tập kích vào bọn Kỵ binh bay Mỹ ở Vân Thê (Hương Thủy), diệt 1 tiểu đội nghĩa quân ở Minh Thủy, 2 trung đội Mỹ ở Sư Lỗ Thượng, 2 tên ác ôn ở Hương Bình (Hương Trà), 29 tên Mỹ, 3 tên ác ôn ở xã Hương Lộc, Hải Thủy.

Công tác diệt ác, trừ gian cũng được đẩy mạnh. Ở Phú Vang, trong suốt 4 đêm từ ngày 10 - 14/11/1968, ta đã tiêu diệt 4 tên ác ôn (trong đó có 1 tên phản bội đã chỉ điểm giết 09 đồng chí của ta, 1 tên công an và 2 tên mật vụ). Phát hiện 1 ổ gián điệp quan trọng gồm 19 tên do 1 phụ nữ phụ trách ở 3 xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân. Những tên gián điệp này đã vẽ sơ đồ chỉ điểm 29 hầm bí mật, trong đó có cả hầm của đồng chí Hoàng Lanh, đồng chí Văn, Bí thư Phú Vang, ở Khu 1 Hương Thủy bắt 1 tên Quốc dân đảng; Hương Lộc, Hải Thủy diệt 2 gián điệp. Trong giai đoạn này, việc bám trụ, xây dựng cơ sở gặp vô vàn khó khăn, cơ sở cũ hầu như vỡ hết, việc xây dựng địa bàn phải làm lại từ đầu. Với nỗ lực vượt bậc, quyết tâm cao, các chiến sĩ An ninh vũ trang phải ăn ở ngoài đồng, ngâm mình dưới nước, đào hầm ẩn náu, ban đêm luồn vào các xóm, thôn để móc nối, xây dựng cơ sở.

2. Củng cố lực lượng, xây dựng cơ sở, vượt qua khó khăn, tham gia giải phóng Thừa Thiên (1969 - 1975)

a. Lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế giai đoạn 1969 - 1972

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Với chiến thuật “quét và giữ”, chúng thông qua hai thủ đoạn cơ bản là đẩy lực lượng ta ra khỏi chiến trường và chiếm lại đồng bằng, bảo đảm an ninh các vùng chúng kiểm soát. Các đội quân khét tiếng của địch mang tên “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga” được huy động về địa bàn Trị Thiên Huế để chuẩn bị cho những cuộc hành quân khủng bố. Địch tập trung quân đánh phá ác liệt vùng giáp ranh và vùng rừng núi, thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc ở thành phố và đồng bằng để ngăn chặn sự tấn công lớn của ta, chuẩn bị cho âm mưu phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh.

Đầu năm 1970, trên chiến trường Thừa Thiên Huế, lực lượng cách mạng đã khắc phục khó khăn, triển khai được lực lượng trên địa bàn, tổ chức các trận đánh địch trên đường 12, La Sơn, La Hy, đánh phản kích giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, triển khai các trận đánh địch hành quân phản kích, đánh vào các căn cứ, vị trí, các cụm dọc đường 1, ven thành phố, tiêu hao tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, buộc địch phải co lại, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị ở đồng bằng, thành phố.

Năm 1972, hoạt động của lực lượng An ninh vũ trang trải qua giai đoạn khó khăn, ác liệt. Địch chiếm hầu hết đồng bằng và đô thị, lực lượng ta bị dồn lên rừng núi nhưng cùng với các lực lượng vũ trang, An ninh vũ trang đã bí mật quay lại bám trụ đồng bằng, tổ chức nhiều trận đánh phối hợp với các lực lượng giành thắng lợi; góp phần quan trọng vào thành tích chung của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế.

b. An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế từ sau Hiệp định Paris đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (1973 - 1975)

Sau hiệp định Paris, lực lượng An ninh Thừa Thiên Huế đã tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, củng cố vùng giải phóng, cùng các đơn vị vũ trang xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc, chuẩn bị thế và lực tiến về đồng bằng, thành phố tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương. Lực lượng Trinh sát An ninh thành phố Huế vừa tham gia phát động quần chúng, vừa tổ chức các hoạt động có hiệu quả, như: Hỗ trợ cho đơn vị Điệp báo vào xây dựng địa bàn trong và ngoài thành phố, các xã vùng sâu. Tổ chức cắm cờ giải phóng và treo ảnh Bác Hồ trên đỉnh núi Ngự Bình; tổ chức bắt cóc và diệt bọn ác ôn hỗ trợ cho 200 thương phế binh đấu tranh ở thành phố Huế đòi quyền sống, bắt cóc 2 tên tình báo ngụy ở Hải Thủy, Hải Lộc. Phối hợp với bộ đội địa phương đánh bọn ác ôn ở Ngũ Tây, Tứ Tây thành phố Huế. An ninh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai các hoạt động chiến đấu bảo vệ căn cứ, phòng gian bảo mật, xây dựng cơ sở ở đồng bằng, thành thị; từ chỗ chỉ hoạt động ở nội địa, sau Hiệp định Pari chuyển sang đảm nhận bảo vệ một số đoạn biên giới giáp Lào, tuyến giáp ranh giữa ta và địch.

Đến năm 1974, ở vùng giải phóng của ta đã có 1 Đồn và 2 Trạm cảnh sát. Các Đồn và Trạm cảnh sát đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 60 lượt, với trên 7.000 lượt người qua lại, phát hiện 19 trường hợp đào ngũ, 4 trường hợp từ vùng địch kiểm soát lên cư trú chính trị, phát hiện 1 trường hợp từ Bắc trốn vào Nam theo địch. Tháng 4/1974, do yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại đội An ninh vũ trang tỉnh được củng cố, tăng cường lực lượng, biên chế Đại đội gồm 125 cán bộ, chiến sĩ, chia làm 4 Trung đội: Trung đội bảo vệ Tỉnh ủy; Trung đội bảo vệ Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh; Trung đội cơ động; Trung đội canh giữ trại giam.

Để kịp thời lãnh đạo công tác An ninh trong giai đoạn mới, ngày 15/11/1974, Ty An ninh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch công tác An ninh đánh phá bình định của địch khi có thời cơ mới, với yêu cầu: Tranh thủ thời cơ bắt diệt được một số tên ác ôn ngoan cố trong cảnh sát, tình báo, gián điệp, bình định, ngụy quyền, làm lỏng, làm rã, làm mất hiệu lực của tổ chức lực lượng kìm kẹp của địch ở cơ sở, phục vụ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Ty An ninh Thừa Thiên Huế đã triển khai kế hoạch công tác trong toàn lực lượng chuẩn bị cho cán bộ, chiến sĩ bước vào trận chiến đấu mới với quyết tâm tiêu diệt hết quân thù, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Năm 1974, thế và lực trên chiến trường miền Nam đã có những chuyển biến căn bản có lợi cho lực lượng cách mạng. Bộ Chính trị trong các kỳ họp tháng 10/1974, tháng 12/1974 và tháng 01/1975, đã hạ quyết tâm chiến lược là: Động viên nỗ lực lớn nhất của hai miền thực hiện kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, An ninh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch hướng dẫn cho An ninh các huyện, thành, các đơn vị Trinh sát, An ninh vũ trang đẩy mạnh công tác tấn công chính trị diệt ác, trừ gian, củng cố xây dựng lực lượng.

Chiến dịch Mùa Xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế được chia làm 2 đợt. Đợt 1: Từ ngày 05/3 đến ngày 14/3/1975; đợt 2: Từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/1975.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cục diện chiến trường, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: “Thời cơ chiến lược lớn trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhảy vọt”. Dựa vào thời cơ đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cũng trong ngày này, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Đêm 19/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân Khu ủy ra quyết định phương án giải phóng Thừa Thiên Huế. Vào lúc 05 giờ sáng ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế - Đà Nẵng chính thức mở màn.

Trong đội hình tiến quân như vũ bão của lực lượng cách mạng, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế hành quân cấp tốc về thành phố Huế, cùng với các lực lượng, tiến công tiêu diệt các mục tiêu: Đồn cảnh sát, các cơ quan quan trọng của Ngụy quân, Ngụy quyền và đập tan bộ máy kìm kẹp của địch. Tổ chức truy quét và kêu gọi tàn quân địch ra trình diện. Nhanh chóng ổn định tình hình, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện các chính sách đối với tù hàng binh, chính sách đối với vùng mới giải phóng.

Đúng 06 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, lá Cờ Giải phóng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.

Sau khi tiếp quản, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế được bố trí đóng trụ sở tại Chi Sắc tộc ngụy (số 3 Lam Sơn, nay là số 7, đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ ngành An ninh đã cùng các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang, Đảng và Nhà nước đã trao tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng chí: Liệt sĩ Nguyễn Văn Trung, Liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng, Liệt sĩ Đỗ Nam và đồng chí Hoàng Thức Bảo (Hoàng Văn Sum) thuộc Trinh sát vũ trang Thành phố Huế; đồng chí Trần Phong - Tiểu đoàn trưởng Trinh sát vũ trang Thành phố Huế; đồng chí Trương Chí Cương (Trương Xà) - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế. Những đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu và các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn để chuẩn bị bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương trong thời bình.

III. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ, QUẢN LÝ CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG - BĐBP TRONG GIAI ĐOẠN HỢP NHẤT TỈNH BÌNH TRỊ THIÊN (1976 - 1989)

1. Hoạt động của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (1976 - 1979)

Ngày 20/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 245/NQ-TW về việc hợp nhất một số tỉnh trên cả nước, trong đó có Bình Trị Thiên. Tháng 3/1976, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu Vĩnh Linh đã được hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, trực thuộc Trung ương, với chiều dài từ Đèo Ngang đến đèo Hải Vân; có bờ biển dài 340 km và đường biên giới chung giáp với các tỉnh thuộc vùng Trung - Hạ Lào.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang trên địa bàn tỉnh mới hợp nhất, ngày 27/02/1976, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ban hành Quyết định số 23/BTL về việc hợp nhất Công an nhân dân vũ trang của khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, An ninh vũ trang tỉnh Quảng Trị và An ninh vũ trang Thừa Thiên thành Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên. Trụ sở cơ quan Tỉnh bộ Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên là khu nhà số 3 đường Điện Biên Phủ. Chỉ sau một thời gian ngắn, với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, chu đáo, công tác bàn giao được tiến hành nhanh gọn, đảm bảo mọi yêu cầu chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và của Tỉnh ủy. Đến ngày 25/5/1976, mọi công việc bàn giao, tiếp nhận của đơn vị thuộc địa bàn 3 tỉnh đã hoàn thành trong phạm vi toàn tỉnh Bình Trị Thiên.

Tình hình trên hai tuyến biên phòng xuất hiện nhiều vấn đề khá phức tạp. Ngoài các hoạt động gây rối của các đối tượng hình sự, một số đối tượng khác tìm cách vượt biên, trốn ra nước ngoài từ thời gian này bắt đầu diễn ra. Hoạt động móc nối đường dây, tổ chức vượt biên, trốn ra nước ngoài bằng đường biển ngày một tăng.

Trước tình hình đó, ngày 29/3/1977, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đề ra Kế hoạch phòng, chống xâm nhập vượt biển trốn ra nước ngoài. Thực hiện nội dung kế hoạch, các đơn vị đã tiến hành khảo sát địa bàn đóng quân, kiểm tra, phân loại đối tượng, nắm lại tổ chức, con người, các phương tiện hành nghề, tàu thuyền để có kế hoạch quản lý, phục vụ cho công tác ngăn chặn các hoạt động vượt biển, vượt biên kịp thời và có hiệu quả. Năm 1977, các Đồn Biên phòng tuyến biển đã phát hiện và ngăn chặn 7 vụ, với 98 người vượt biển trốn ra nước ngoài. Các Đồn Biên phòng tuyến núi hiệp đồng chặt chẽ với nhân dân địa phương và các lực lượng phát hiện, bắt giữ 22 vụ, với 51 người vượt biên trốn ra nước ngoài, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên phòng.

20 năm (1959 - 1979) phấn đấu liên tục, lập được nhiều thành tích trong xây dựng và chiến đấu, ngày 19/02/1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Theo chủ trương của Trung ương, Công an nhân dân vũ trang ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức lễ đón nhận.

Ngày 02/3/1979, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã tổ chức lễ đón nhận phần thưởng cao quý đó tại hội trường Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ngày 19/12/1979, Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân[2].

2. Hoạt động của BĐBP tỉnh giai đoạn 1979 - 1989

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, tăng cường sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh khả năng phòng thủ, khả năng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh BGQG, giữ gìn TTATXH khu vực biên phòng trong thời bình cũng như thời chiến, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 22-NQ/TW Về việc chuyển giao nhiệm vụ lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng[3] phân định lại nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, hải đảo giữa các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Ngày 19/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 419-QĐ/CP để tổ chức thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Ngày 19/12/1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 1148-QĐ/QP xác định BĐBP là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác biên phòng của các lực lượng vũ trang.

Ngày 15/4/1980, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định chuyển toàn bộ cơ quan Chỉ huy Biên phòng ở số 3 đường Điện Biên Phủ về cơ quan của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại đường Mang Cá; chính thức công bố giải thể Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang, thành lập Phòng Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Phòng Biên phòng có 3 ban: Tác chiến, Trinh sát, Xây dựng đảm bảo và một Tiểu ban Hành chính, quân số được biên chế là 57 đồng chí. Ngày 12/11/1980, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ban hành Quyết định số 11-QĐ/QST chuyển giao toàn bộ các Đồn Biên phòng cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị. Ngày 15/12/1980, công việc chuyển giao hoàn tất. 10 Ban Biên phòng trực thuộc các huyện đội, thị đội được thành lập và tiếp nhận 27 Đồn Biên phòng trên hai tuyến. Đến cuối năm 1980, cơ cấu tổ chức cơ bản của BĐBP Bình Trị Thiên đã được ổn định theo 3 cấp: Cấp tỉnh có Phòng Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ở huyện, thị có Ban Biên phòng trực thuộc huyện đội và thị đội; huyện, thị đội chỉ đạo 27 đồn trên hai tuyến biên phòng.

Ngày 16/9/1981, cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng đã chuyển địa điểm đóng quân từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về khu B - số 14 đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế (trụ sở của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên cũ).

Năm 1985, BĐBP Bình Trị Thiên vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.

Năm 1986 là năm thứ 7 BĐBP thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (chuyển tổ chức nhiệm vụ, hoạt động từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng). Qua thực tế công tác và chiến đấu, BĐBP cả nước nói chung và BĐBP Bình Trị Thiên nói riêng, đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, từng bước trưởng thành và lập được nhiều thành tích nổi bật. Nhưng cũng từ thực tế đó đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, công tác bảo đảm cho bộ đội về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ; trong khi đó, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của địch ngày càng xảo quyệt, tinh vi hơn... Do đó, yêu cầu đặt ra lúc này là BĐBP cần phải tăng cường khả năng chỉ đạo, chỉ huy thống nhất trong lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 14/4/1986, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 419-QĐ/BQP về việc Chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy, củng cố, xây dựng BĐBP, xác định: BĐBP là một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới của Tổ quốc cả trên đất liền và vùng biển, tham gia tác chiến chống quân xâm lược khi có chiến tranh. BĐBP tổ chức thành một hệ thống chỉ huy thống nhất trực thuộc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự chỉ huy, quản lý toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời chịu sự chỉ đạo về công tác an ninh của Bộ trưởng Bộ Công an, về công tác đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”.

Hệ thống tổ chức chỉ huy của BĐBP cũng được kiện toàn theo 3 cấp cơ bản:

Cấp Bộ Tư lệnh Biên phòng.

Cấp Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố, đặc khu.

Cấp Đồn Biên phòng, các đơn vị cơ động, hải đội biên phòng.

Ngày 04/7/1986, Tổng Tham mưu trưởng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị trong Quân khu khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định của Bộ Quốc phòng. Ngày 18/7/1986, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên lập kế hoạch thực hiện và chấp hành các quyết định, chỉ thị của trên, tiến hành bàn giao BĐBP Bình Trị Thiên về lại Bộ Tư lệnh BĐBP. Ngày 29 và 30/7/1986, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chính thức bàn giao mọi mặt công tác cho BĐBP đảm nhiệm.

10 năm hoạt động trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng, BĐBP Việt Nam đã vượt qua mọi trở ngại, một lòng trung thành với Đảng, với Nhân dân, quyết tâm nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Tuy vậy, quá trình hoạt động 10 năm đó cũng bộc lộ những thiếu sót, công tác nghiệp vụ, an ninh biên giới bị buông lỏng. Bước vào giai đoạn mới, đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh phải đối phó với các loại kẻ thù cụ thể trên thế giới, khu vực và kể cả trong nước. Công tác an ninh quốc phòng đặt ra những nhiệm vụ mới, chặt chẽ và yêu cầu cao hơn đối với lực lượng biên phòng.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW chuyển lực lượng BĐBP từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ. Ngày 17/6/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định chuyển Đảng bộ lực lượng BĐBP thành Đảng bộ trực thuộc Ban Bí thư Trung ương[4].

Ngày 21/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 104/HĐBT quy định: “Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế, trang bị và cơ sở vật chất, kỹ thuật của lực lượng BĐBP sang Bộ Nội vụ. Lực lượng BĐBP đặt dưới sự chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Thực hiện Quyết định này, ngày 03/8/1988, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã tiến hành công tác bàn giao. Kể từ 0 giờ ngày 16/8/1988, Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ huy và trực tiếp đảm bảo mọi mặt đối với BĐBP.

Sau quá trình ổn định, thống nhất trong công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, ngày 28/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 16-QĐ/HĐBT về Ngày biên phòng toàn dân nhằm phát huy sức mạnh đồng bộ của mọi lực lượng trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

IV. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ, QUẢN LÝ CHỦ QUYN, AN NINH BIÊN GIỚI CA BĐBP THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 1989 - 2005

1. Tổ chức và hoạt động của BĐBP giai đoạn 1989 - 1995

a. n định tổ chức, triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyn, an ninh biên gii tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 1990)

Trên cơ sở đề nghị của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, báo cáo của Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng, ngày 07/5/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết phân chia địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bình Trị Thiên. Tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập gồm 5 đơn vị hành chính là thành phố Huế và các huyện Phú Lộc, Hương Phú, Hương Điền và A Lưới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, ngày 17/7/1989, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 747/QĐ-BNV về việc chia Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Trị Thiên thành Ban Chỉ huy BĐBP các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo Quyết định của Bộ Nội vụ, ngày 17/7/1989, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập. Các đơn vị cơ sở gồm 8 Đồn Biên phòng 216, 220, 224, 228, 232, 236, 629, 633 và 2 đại đội (C8 và C9). Sau khi ổn định công tác tổ chức cán bộ, cấp tỉnh và cơ sở, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện vai trò là lực lượng nòng cốt giữ gìn ANTT và bảo vệ sự toàn vẹn biên giới trên bộ và trên biển.

b. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Thừa Thiên Huế (1991 - 1995)

Bước sang năm 1991, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội khủng hoảng nghiêm trọng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá cách mạng, mưu đồ lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lực lượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài tăng cường xâm nhập qua biên giới để móc nối, cài cắm cơ sở hòng thực hiện mưu đồ của chúng.

Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 113/CT-BNV, ngày 06/12/1990 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Kế hoạch số 73/KH-TM, ngày 22/01/1991 của Cục Tham mưu Bộ Tư lệnh Biên phòng, ngày 07/01/1991, Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát động quần chúng tấn công tội phạm. Nội dung kế hoạch xác định nhiệm vụ BĐBP phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các ngành chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp để tấn công tội phạm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ phong trào quần chúng tham gia đấu tranh với các loại tội phạm: Tham nhũng, buôn lậu, xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm hình sự; xác định hai tuyến biên phòng là địa bàn trọng điểm.

Từ tháng 5/1991, khi tình hình vượt biển rộ lên phức tạp, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn chủ trương, biện pháp ngăn chặn. Các huyện cũng tổ chức hội nghị chuyên đề phòng chống vượt biển. Được bổ sung lực lượng từ các phòng, ban, các Đồn Biên phòng ở vùng trọng điểm đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường ngăn chặn các hoạt động vượt biển. Bên cạnh giải pháp tăng cường quản lý cán bộ, chiến sĩ, đề phòng thủ đoạn móc nối vào nội bộ, lực lượng Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, mật phục trên bờ, truy đuổi trên biển, đã bắt quả tang 30 vụ, phá được 18 vụ, gồm 21 đối tượng móc nối, hối lộ cán bộ, chiến sĩ biên phòng; phá 4 đường dây chuyên tổ chức móc nối đưa đón người vượt biển để lấy tiền, vàng. Đây là một thành công lớn của BĐBP, góp phần ngăn chặn tình trạng vượt biển rộ lên ồ ạt trong năm 1991.

Nhìn lại những năm đầu sau khi Thừa Thiên Huế được tái lập (1991 - 1993), với bối cảnh tình hình ANCT, TTATXH phức tạp, có thời điểm rất căng thẳng, nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng tỉnh vẫn quyết tâm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, trị an xã hội trong khu vực biên phòng.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, cần bố trí thêm lực lượng tăng cường công tác bảo vệ biên giới trên tuyến biên giới đất liền, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới, ngày 25/11/1994, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đồn Biên phòng 627 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân), địa bàn quản lý 3 xã (xã Hồng Thủy, xã Hồng Vân, xã Hồng Trung).

Ngày 08/9/1995, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 58/CT-TW Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới.

Sau 20 năm đất nước thống nhất, với chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, hơn 1 vạn Ngụy quân, Ngụy quyền, đảng viên các đảng phái cũ của chế độ Sài Gòn ở các xã tuyến biển đã được cải tạo tiến bộ, hòa hợp cộng đồng, tham gia xây dựng quê hương.

Hoạt động của BĐBP Thừa Thiên Huế giai đoạn 1991 - 1995 diễn ra trong bối cảnh tuy có những thành quả bước đầu của sự nghiệp đổi mới nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ, khó khăn và thử thách, tác động sâu sắc đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển. Từ sau ngày giải phóng, chưa lúc nào tình hình vượt biển trái phép trốn ra nước ngoài và hoạt động lợi dụng tôn giáo diễn ra phức tạp như trong giai đoạn này. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội địa phương thuộc hai tuyến biên giới và trong khu vực biên phòng, tổ chức lực lượng, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng cơ sở chính trị và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đoàn kết đồng bào các dân tộc, củng cố vùng biên giới ngày càng phát triển.

2. Tổ chức và hoạt động của BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1996 - 2005

a. Xây dựng lực lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, góp phần giữ vững ổn định chính trị (1996 - 1999)

Trong những năm 1998, 1999, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc diễn biến phức tạp và quyết liệt dưới nhiều hình thức. Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội tiếp tục thúc đẩy “tự do hóa về chính trị”, “tư nhân hóa về kinh tế”, “phi chính trị hóa về quân đội”, khuyến khích và thúc đẩy “tự diễn biến” từ bên trong. Đối với khu vực nội địa và biên giới, chúng sử dụng chiêu bài “dân tộc, dân chủ, nhân quyền”, tạo cơ hội hoạt động để nắm lấy các tôn giáo và dân tộc, tổ chức nuôi dưỡng các lực lượng chống đối để chống phá ta lâu dài.

Năm 2000, lực lượng BĐBP tỉnh từng bước được kiện toàn theo biên chế mới; nêu cao cảnh giác, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trên biên giới, vùng biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền; giữ vững ANCT, TTATXH; nâng cao khả năng SSCĐ, bảo vệ địa bàn trong các dịp lễ hội và tiếp tục đẩy mạnh khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, trước hết là tội phạm về trật tự an toàn xã hội; tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, hoàn thành việc phân giới cắm mốc đoạn biên giới từ mốc S3 đến S4 đạt yêu cầu… Trên tuyến biển, đã thành lập Trung tâm thông tin với các tàu thuyền của ngư dân để nắm tình hình, tổ chức tuần tra trên biển.

b. Xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng vững mạnh (2000 - 2005)

Đất nước ta đã trải qua 15 năm đổi mới với nhiều thay đổi. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định, QP-AN được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố.

Năm 2003, trên tuyến biên giới đất liền, mặc dù tình hình ANCT, TTATXH được giữ vững, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Phía bạn Lào, hai tỉnh đối diện đang còn nhiều khó khăn về KT-XH; bọn lưu vong tập kích vào các đồn, trạm kiểm soát, phục kích bắt cóc cán bộ, chiến sĩ của ta khi đi làm nhiệm vụ; chúng trà trộn xâm nhập, vận chuyển vũ khí, móc nối cài cắm cơ sở vào đất ta chờ thời cơ hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và tình hình thực tế địa bàn, ngày 15/9/2003, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đồn Biên phòng 637 (Đồn Biên phòng Hương Nguyên), quản lý 2 xã Hương Nguyên và A Roàng. Vị trí đóng quân ban đầu của Đồn ở bên đường Hồ Chí Minh dưới chân cầu A Moong, cách vị trí đóng quân hiện tại khoảng 6 km về hướng nam. Năm 2015, do mưa lũ sạc lở, Bộ Quốc phòng đã đầu tư xây dựng, hoàn thành doanh trại mới bên đường Hồ Chí Minh (ở vị trí hiện nay).

Nhìn lại chặng đường hơn 15 năm từ khi tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập (1989 - 2005), trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức và đầu mối trực thuộc nhưng lực lượng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ và hoàn thành tốt các công tác đề ra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

V. ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC BIÊN PHÒNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN, AN NINH BIÊN GIỚI, VÙNG BIỂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI (2006 - nay)

1. Phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giai đoạn 2006 - 2012

Bước vào giai đoạn 2006 - 2012, đất nước ta trải qua hơn 20 năm đổi mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn gặp không ít khó khăn, thách thức, có tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG của BĐBP nói chung và BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch công tác của cấp trên, xây dựng nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, kế hoạch công tác của Bộ Chỉ huy, nhất là các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo, giữ vững ANCT, TTATXH trên hai tuyến biên giới của tỉnh.

Ngày 08/11/2007, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Chủ tịch Nước ký Quyết định số 1295/QĐ-CT về tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ngày 30/01/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và chuẩn bị tốt mọi điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án tăng dày, tôn tạo mốc Quốc giới Việt Nam - Lào đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ. Song trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, với quyết tâm cao và sự đoàn kết khắc phục khó khăn, gian khổ, cùng sự khẩn trương, quyết liệt, khoa học, chặt chẽ của cán bộ, nhân viên Đội cắm mốc, vừa đảm bảo nguyên tắc cơ bản về yêu cầu kỹ thuật cắm mốc, vừa đảm bảo chất lượng công trình, nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch công việc của tỉnh giao. Tăng dày, tôn tạo tổng số 37 cột mốc (từ Mốc 639 đến Mốc 675, gồm: 02 Mốc Đại, 08 Mốc Trung, 27 Mốc Tiểu và 07 Cọc dấu, gồm 03 Cọc dấu đơn, 04 Cọc dấu đôi). Trong đó, 02 Mốc Đại được cắm tại hai cửa khẩu: Hồng Vân - Cô Tài (Mốc Đại 645), A Đớt - Tà Vàng (Mốc Đại 666) và 9 Mốc Trung, 27 Mốc Tiểu..

Tính đến hết tháng 4/2011, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa tiếp giáp với hai tỉnh Salavan và Sekong. Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới sớm nhất - trước hai năm so với kế hoạch đề ra.

2. BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giai đoạn 2013 - 2018

Giai đoạn 2013 - 2018, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Các nước lớn đẩy mạnh hợp tác và kiềm chế lẫn nhau, chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của các nước cũng như của Việt Nam. Trung Quốc có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) trong vùng biển và thềm lục của Việt Nam. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do nguồn xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ra việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung... Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “phi chính trị hóa Quân đội”, nhất là trong dịp Nhà nước ta tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Ngày 06/8/2015 Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ-BTL về tổ chức, biên chế của Tư lệnh BĐBP, theo đó đã thành lập Đội Trinh sát ngoại biên thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 09/01/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới. Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn toàn tỉnh. Trên tuyến biên giới đất liền, đã vận động thành lập được 49 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới/1.456 hộ gia đình tham gia. Trên tuyến biên giới biển, đã vận động thành lập được 93 Tổ tàu thuyền an toàn/1.140 thuyền viên nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đến cuối tháng 12/2016, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 91 em (Việt Nam 85 em, Lào 06 em). Thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Đồn BPCK A Đớt và Đồn BPCK Hồng Vân nhận nuôi 02 cháu; đồng thời huy động được 67.800.000 đồng/02 cháu/năm. Thực hiện chủ trương phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở KVBG, các Đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giới thiệu, phân công 224 đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách 1.096 hộ gia đình ở KVBG nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020, cùng với sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình, đã hỗ trợ giai đoạn I ba xã xã Hồng Vân, Hồng Thái, Hương Nguyên. Đây là những chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thiết thực, vừa huy động được đông đảo các nguồn lực xã hội chung tay trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn, vừa tăng cường mối quan hệ đoàn kết, nâng cao chất lượng các hoạt động phối hợp giữa BĐBP tỉnh và các địa phương, đơn vị.

Thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng, năm 2013, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với tỉnh bạn Lào lập Bản Sê Sáp và giúp người dân Lào ổn định cuộc sống; phối hợp với Ủy ban Mặt trận tỉnh xây dựng 13 nhà/trị giá hơn 200 triệu đồng cho người dân trong Bản. Trong hai năm 2015, 2016, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng 01 trường học kết hợp nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 05 nhà hữu nghị/trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo Đồn Biên phòng Nhâm thành lập 01 tổ công tác gồm 05 cán bộ, chiến sĩ biết tay nghề thợ mộc, am hiểu phong tục tập quán, biết nói tiếng địa phương sang cắm Bản để giúp xây dựng nhà, làm công trình nước sạch tự chảy.

3. BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG giai đoạn 2019 - nay

Giai đoạn này, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các cuộc xung đột diễn ra ở nhiều nơi, như: Nga - Ukraina, Israel - Hamas… Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19… đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động sâu rộng đến KT-XH, QP-AN, đối ngoại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, đe dọa sự hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, quyết liệt…

Ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ bảo vệ biên giới quốc gia. Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là những văn bản vô cùng quan trọng, thể hiện quan điểm, tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập bảo vệ biên giới và khu vực phòng thủ, từ 2019 - 2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các Đồn Biên phòng đã tham gia các đợt diễn tập, như: Diễn tập chống khủng bố, xử lý tập trung đông người gây rối ANCT, TTATXH; Diễn tập CH-TM 1 bên 2 cấp trên bản đồ, có một phần thực binh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng biển, vùng trời; Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh gắn với diễn tập tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường miền Trung; Diễn tập phương án phòng chống khủng bố xâm nhập qua biên giới vào địa bàn huyện A Lưới; đồng thời chỉ đạo các Đồn Biên phòng tổ chức diễn tập chiến thuật có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ.

Công tác phòng chống ma túy và tội phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện các chuyên án, vụ án, kế hoạch nghiệp vụ đã có bước phát triển vượt bậc so với những năm trước đây, đặc biệt là đấu tranh với tội phạm về ma túy; phòng, chống tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định (IUU). Đã đấu tranh thành công 17 Chuyên án, Kế hoạch nghiệp vụ, bao gồm: 01 chuyên án về ma túy; 01 kế hoạch nghiệp vụ về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng; 02 kế hoạch nghiệp vụ về kinh tế và 13 kế hoạch nghiệp vụ về ma túy. Phát hiện, trực tiếp bắt giữ, xử lý 276 vụ/444 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 263 vụ/422 đối tượng, phạt tiền 260 vụ/418 đối tượng/2.991.425.000đ, phạt cảnh cáo 03 vụ/04 đối tượng; tịch thu tang vật bán đấu giá nộp NSNN gần 02 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 Chính phủ Về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7) thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời bàn giao quản lý đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới, từ mốc 639 đến mốc 643, đoạn biên giới với tổng chiều dài 8,519 km cùng 05 mốc quốc giới (639, 640, 641, 642, 643).

Thực hiện Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đã tiến hành sáp nhập 04 xã nội địa vào 04 xã biên giới: Vinh Giang sáp nhập với Vinh Hải thành xã Giang Hải (Phú Lộc); Bắc Sơn sáp nhập với Hồng Trung thành Trung Sơn, Hồng Quảng sáp nhập với Nhâm thành Quảng Nhâm, Hương Lâm sáp nhập với A Đớt thành xã Lâm Đớt (A Lưới).

Thực hiện Kết luận số 68-KL/TW, ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư Về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã thống nhất với các huyện ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy bố trí 04 đồng chí chỉ huy Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện (Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, A Lưới); 13 đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng về tăng cường cho 13 xã biên giới (12 xã thuộc huyện A Lưới và xã Lộc Bình thuộc huyện Phú Lộc) giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Thực hiện Kế hoạch số 78/KHPH-MTTW-BĐBP ngày 12/02/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 13/8/2020 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND, ngày 24/8/2020 về việc “Tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân” trên hai tuyến biên giới của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp Nhân dân về biên giới, biển đảo, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh.

Đầu năm 2020, khi dịch Covid - 19 bùng phát, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch một cách đồng bộ, quyết liệt, thực hiện “nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch. BĐBP tỉnh đã thành lập 36 tổ, chốt (trong đó có 19 tổ cố định và 17 tổ lưu động), huy động sự tham gia tích cực của lực lượng Công an, Quân sự tỉnh và các lực lượng hiệp đồng khác, góp phần cùng với các cấp, các ngành, các lực lượng ngăn chặn thành công dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế”, xã Hải Dương (Hương Trà) và thị trấn Thuận An (Phú Vang) đã được sáp nhập vào thành phố Huế. Từ đó, thành phố Huế trở thành thành phố biên giới biển.

Thực hiện các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mô hình có hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH ở KVBG của tỉnh, như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, mô hình “Quân dân y kết hợp”; “Tiết kiệm tiền lẻ chia sẻ khó khăn”, “Giúp đỡ cụ già neo đơn”, “Hũ gạo tình thương”, “Ngôi nhà xanh tiếp sức học sinh khó khăn đến trường”, “Ngày về thôn bản”… Nhiều mô hình đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập được nhiều chiến công, thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành Trung ương và địa phương khen thưởng. Trong đội hình Công an Nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1979), Huân chương Chiến công (2000), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2014), 01 Huân chương Hữu nghị (2003), có 06 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương các loại; 07 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Nhiều đồng chí từng công tác, rèn luyện tại BĐBP tỉnh, đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo, chủ chốt trong các đơn vị trong lực lượng BĐBP, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Những chiến công vẻ vang của An ninh vũ trang - Công an Nhân dân vũ trang và BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là truyền thống quý báu, là hành trang để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh viết tiếp những trang sử hào hùng, tiếp tục phát huy truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

 

Phần II

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG

CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

I. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ tận tình của đồng bào các dân tộc KVBG, vùng biển, trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã không ngừng kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân, của Công an nhân dân, của BĐBP và của quê hương Thừa Thiên Huế, xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của BĐBP tỉnh. Tiêu biểu là:

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đây là bài học xuyên suốt, có tính nguyên tắc về lãnh đạo, tổ chức thực hiện và là mục tiêu, nhiệm vụ có tính then chốt, chi phối toàn bộ hoạt động của lực lượng BĐBP tỉnh. Tận trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hoạt động của lực lượng BĐBP tỉnh luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng cụ thể vào tình hình của địa phương, gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao sức mạnh chính trị và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

Là một bộ phận của các lực lượng vũ trang nhân dân, công cụ sắc bén của Đảng, chính quyền và Nhân dân, BĐBP tỉnh luôn kế thừa truyền thống Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của lực lượng BĐBP Việt Nam: Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, SSCĐ, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân; quán triệt sâu sắc quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, thế trận Biên phòng toàn dân, thế trận Quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận An ninh nhân dân vững chắc; thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước láng giềng có chung đường biên giới.

Quá trình lịch sử với nhiều lần thay đổi về tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, công tác xây dựng Đảng trong lực lượng BĐBP tỉnh đều được các cấp chú trọng. Tổ chức Đảng và cơ quan chỉ huy BĐBP tỉnh luôn luôn trung thành với đường lối cách mạng của Đảng, chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và cơ quan chỉ huy cấp trên; thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chủ quyền, an ninh biên giới là thiêng liêng và cao cả. Trong thời gian qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc. Trên hai tuyến biên giới của tỉnh, có nhiều thời điểm, tình hình an ninh chính trị diễn biến rất phức tạp, gay gắt. Dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn luôn xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

2. Anh dũng, kiên cường, mưu trí trong chiến đấu; tận tụy, sáng tạo trong công tác; linh hoạt, sắc bén, tỉnh táo trong đấu tranh, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

BĐBP tỉnh hoạt động chủ yếu trên hai tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Vùng biển với phạm vi kiểm soát rộng lớn, lực lượng và phương tiện còn thiếu. Những khó khăn, thử thách đó đòi hỏi người chiến sĩ biên phòng phải có bản lĩnh vững vàng, vừa kiên trì, bền bỉ, vừa năng động, linh hoạt, sáng tạo mới đảm đương tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, giữ gìn ANCT, TTATXH ở KVBG, vùng biển, BĐBP tỉnh luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải luôn được quan tâm xây dựng, nhằm đảm bảo sự vững vàng về chính trị, giỏi về kỹ thuật, chiến thuật, tinh thông nghiệp vụ; gắn với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nắm bắt tình hình, nhiệm vụ một cách nhanh nhạy, tiếp thu những kiến thức mới về khoa học, kỹ thuật, quân sự, nghiệp vụ an ninh, quốc phòng, vận dụng thành thạo các biện pháp nghiệp vụ; chủ động ứng phó với mọi tình huống để giữ vững chủ quyền BGQG.

Thực tế lịch sử đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh không chỉ thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, nắm vững nghiệp vụ an ninh, luật pháp Việt Nam, công ước quốc tế, những hiệp định, quy chế về biên giới, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc mà còn phải am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, có kiến thức tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ KT-XH tại các địa bàn. Người chiến sĩ biên phòng không chỉ dùng sức mạnh của tư duy chính trị, luật pháp, quyền lực, vũ khí, mưu mẹo mà còn phải vận động, thu phục, cảm hóa bằng phẩm chất, bằng đức hy sinh, bằng tình cảm chân thành thuyết phục lòng người.

3. Luôn luôn bám địa bàn, gắn bó máu thịt với Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng, các địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới.

Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng An ninh vũ trang sống, chiến đấu với sự nuôi dưỡng, che chở của Nhân dân. Nhân dân luôn là tai mắt của An ninh vũ trang trong công tác đấu tranh chống địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước tình hình phức tạp ở hai tuyến biên giới, đồng bào các dân tộc ở tuyến biên giới đất liền và nhân dân các xã ven biển trong khu vực biên phòng luôn là chỗ dựa tin cậy của lực lượng biên phòng. Để được dân tin yêu, mến phục, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã chịu đựng gian khổ, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân các dân tộc vùng biên cương của Tổ quốc. Trong thiên tai, hoạn nạn, hình ảnh các chiến sĩ Biên phòng không quản lũ tràn, sóng lớn, cứu người và tài sản của nhân dân, đã để lại những tình cảm tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhờ đó, mối quan hệ quân - dân ngày càng trở nên bền chặt, gắn bó.

Xác định vai trò quan trọng của quần chúng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, công tác vận động quần chúng của BĐBP tỉnh những năm qua luôn được coi trọng. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã quan tâm tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố QP-AN ở các xã, phường, thị trấn biên giới vững mạnh; tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, với nhiều phong trào, chương trình, dự án, mô hình có hiệu quả; trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

4. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, thực hiện tốt chức năng “Đội quân chiến đấu - Đội quân công tác - Đội quân lao động sản xuất”.

Là lực lượng thành viên của các khu phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. Bên cạnh nhiệm vụ SSCĐ, BĐBP tỉnh phải thường xuyên làm nhiệm vụ đấu tranh chính trị, bảo vệ ANTT, quản lý nhà nước về biên giới. Nhiệm vụ của BĐBP tỉnh rất toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, có cả an ninh, quốc phòng và đối ngoại; phải trực tiếp đấu tranh với nhiều loại đối tượng, với những đối sách khác nhau. Thực tế đó đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, độ tin cậy, phẩm chất đạo đức, tinh thần hy sinh, cống hiến, sự tinh thông nghiệp vụ và trình độ năng lực đảm nhiệm công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, chiến sĩ phải gắn với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; xây dựng Đồn Biên phòng là điểm sáng văn hóa trên biên giới. Có như vậy, mới động viên, khuyến khích được cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với lực lượng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

5. Luôn luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm, nguyên tắc đối ngoại của Đảng, giữ vững đoàn kết quốc tế, vun đắp xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, trực tiếp là với hai tỉnh có chung đường biên giới trên bộ với Thừa Thiên Huế là Sekong và Salavan.

BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh Sekong và Salavan (Lào) triển khai thực hiện tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; tuần tra chung, kiểm tra song phương, bảo vệ các cột mốc biên giới; tuyên truyền, ngăn chặn nhân dân vượt biên trái phép, xâm canh, xâm cư, kết hôn không giá thú. Đặc biệt, trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các âm mưu và hành động xâm nhập biên giới của các lực lượng phản động; giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19; phát triển KT-XH; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

II. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 60 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA BĐBP TỈNH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với những phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá mới, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền biển, đảo và mặt trái của cơ chế thị trường để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước. Tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP tỉnh… Do đó, toàn lực lượng BĐBP tỉnh phải không ngừng được xây dựng chính quy, vững mạnh toàn diện, trước hết cần phấn đấu thực hiện tốt một số vấn đề sau:

1. Tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình biên giới, biển đảo, tình hình liên quan nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo và kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh.

2. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở KVBG.

Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ Vquản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBG biển nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 77/2017/NĐ-CP ngày 03/7/ 2017 của Chính phủ Quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng, Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Chỉ thị số 01/CT-TTg, Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới; các hiệp định, hiệp nghị, Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 13/8/2020 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh về tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

3. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở KVBG, cửa khẩu.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương KVBG, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng nền biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh vững mạnh về mọi mặt, trước hết là về chính trị, tư tưởng và tổ chức; chăm lo phát triển KT-XH ở KVBG; làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng; đẩy mạnh thực hiện phong trào vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, vùng biển.  

4. Phát triển KT-XH kết hợp với tăng cường và củng cố QP-AN, đối ngoại ở KVBG.

Quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ… Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, đề ra các chủ trương, biện pháp, chương trình phối hợp, hiệp đồng, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân hướng về biên giới, biển đảo, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo vùng biên giới, biển đảo với củng cố QP-AN; thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh vững mạnh toàn diện; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới; đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ nhân dân nước bạn Lào hai tỉnh giáp biên phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào ngày càng bền vững, phát triển.

5. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự; phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở KVBG.

Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân ở KVBG đối với nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ BGQG, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đồng bộ Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng thủ dân sự, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/2/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ, Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự, Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu, Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79) giai đoạn 2019 - 2025.

6. Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài.

Luôn luôn quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trọng tâm là Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Thông tư số 02/2012/TT-BQP của Bộ Quốc phòng Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 89/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về hoạt động đối ngoại biên phòng…; giữ vững đoàn kết quốc tế, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, trực tiếp với hai tỉnh có chung đường biên giới trên bộ Sekong và Salavan; thi hành các điều ước quốc tế, các Hiệp định đã ký kết; đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ giữa hai nước; xây dựng quan hệ láng giềng thân thiện giữa nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

7. Nâng cao trình độ tác chiến, khả năng SSCĐ của BĐBP tỉnh, nhất là các đồn, trạm, hải đội biên phòng.

Tổ chức huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến bảo vệ biên giới, vùng biển, tác chiến khu vực phòng thủ, bảo vệ đồn, trạm; diễn tập xử lý các tình huống phức tạp về ANTT, giải quyết các “điểm nóng” và tham gia nhiệm vụ đấu tranh chính trị và xử lý tình huống quốc phòng. Thực hiện nghiêm chế độ SSCĐ; chấp hành nghiêm quy định của Bộ Quốc phòng về sử dụng lực lượng, phương tiện quân đội. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ ở các xã, phường, thị trấn biên giới, tham gia xử lý tình huống phức tạp về ANTT xảy ra ở KVBG.

*

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn nhận rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, giữ vững từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, xây dựng truyền thống vẻ vang của BĐBP tỉnh. Đó là tài sản tinh thần vô cùng quý báu đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh dày công vun đắp. Tự hào về truyền thống BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế anh hùng, mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ trách nhiệm và vinh dự, tiếp tục phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh thực hiện sáng tạo, thiết thực, hiệu quả cao Ngày Biên phòng toàn dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, hội nhập và phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.



[1] Sau nhiều lần hội thảo, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề nghị Tư lệnh BĐBP ra Quyết định số 364/QĐ-BTL, ngày 24/3/2008 lấy ngày 15/12/1964 là Ngày truyền thống của BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế.

[2] Ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 22-NQ/TW chuyển Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng, nhưng việc chuyển giao chưa được thực hiện nên lúc này vẫn gọi là Công an nhân dân vũ trang.

[3] Nghị quyết số 22-NQ/TW, Bản sao ngày 16/9/1981, do Trung tá Trần Văn Năm, Chủ nhiệm Biên phòng Bình Trị Thiên ký.

[4] Quyết định số 58-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Tập tin đính kèm:
BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 853.609
Truy cập hiện tại 8