1. Điều kiện thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:
- Đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 16, 17 Điều 1 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ).
- Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn (nơi có đất) nhưng hòa giải không thành.
- Các bên tranh chấp không có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự đối với phần diện tích đất đang tranh chấp.
- Nội dung tranh chấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
- Người gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của người tranh chấp đất đai
- Phải có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai gửi đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết trình bày cụ thể, trung thực về nguồn gốc đất; quá trình sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; việc thực hiện kê khai đăng ký đất đai; nộp thuế sử dụng đất; địa chỉ, phạm vi, vị trí, diện tích đất đang tranh chấp; nguyên nhân, thời điểm xảy ra tranh chấp đất đai.
- Cung cấp các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến phần đất, thửa đất đang tranh chấp.
3. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (Điều 91 được bổ sung tại khoản 59 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ), tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 16, 17 Điều 1 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ) thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
- Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
- Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
- Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;
- Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.