Tài liệu phổ biến Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân
Ngày cập nhật 11/04/2023

Thực hiện công văn số 806-CV/BTGTU ngày 05/4/2023 của Ban tuyên giáo tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thực thi Công ước chống tra tấn...và các khuyến nghị của Uỷ ban chống tra tấn, UBND phường giới thiệu các nội dung:

 

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987) là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Nhằm tiếp tục tuyên truyền, thông tin, phổ biến nội dung cơ bản và các quy định quan trọng của Công ước sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, UBND phường Phường Đúc hân hạnh giới thiệu tài liệu phổ biến nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, bao gồm:(có file đính kèm)

1.Tài liệu sách tham khảo về phòng, chống tra tấn

2.100  câu hỏi, đáp pháp luật về phòng, chống tra tấn

3.TÀI LIỆU TẬP HUẤN CHUYÊN SÂU Công ƣớc của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con ngƣời, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn

4.Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, 1984

5.Bộ tài liệu rút gon

6.Bộ Tài liệu tuyên truyền

7. Phụ lục 1 su tham gia cua cac QG - HĐ L2

8.Phụ lục danh mục các Quyết định liên quan

9.Quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ

 

Một số quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc đã tạo điều kiện để Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.

Thực hiện đúng các nội dung Công ước, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định Công ước. VKSND tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước chống tra tấn. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quan tâm đặc biệt.

Hiến pháp năm 2013 đã có một số quy định phù hợp với Công ước chống tra tấn, như: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 31); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.” (khoản 4 Điều 31); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật” (khoản 5 Điều 31); “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” (khoản 7 Điều 103).

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và Công ước chống tra tấn được Việt Nam tiến hành thường xuyên, liên tục gắn với việc triển khai có hiệu quả pháp luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan.

Còn tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa đổi tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội Dùng nhục hình, tội Bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống tra tấn, cụ thể: Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b Khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù). Bổ sung hành vi “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội Dùng nhục hình (điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4). Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội Bức cung (điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

Trong bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 tại Điều 8 quy định “Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết”.

Còn tại Điều 10 đã quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người”.

Ngoài ra, tại Điều 11 còn quy định “Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân. Theo đó, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân bị xử lý theo pháp luật”.

Trong Điều 16 có quy định “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Theo đó, “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Thêm nữa tại điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 quy định người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Ngoài ra, khoản 6, Điều 183, quy định “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Với quy định này, đối với hoạt động hỏi cung được đánh giá là cần thiết nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

Trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định tại khoản 3 Điều 4 quy định nguyên tắc tạm giữ, tạm giam “Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”.

Còn tại khoản 1 Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”.

Một trong những quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được pháp luật bảo đảm theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 9: “Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật”.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 779.931
Truy cập hiện tại 86